Những tỷ phú hàng đầu thế giới như Bill
Gates, Carlos Slim, Warren Buffett,… dù sở hữu trong tay khối tài sản
khổng lồ nhưng họ vẫn luôn miệt mài làm việc mỗi ngày, không hề thả lỏng
chân ga. Nguyên nhân là bởi họ chưa bao giờ coi tiền bạc là động lực
làm việc. Động lực lớn nhất khiến họ say mê công việc họ đang làm chính
là khao khát hiện thực hóa lý tưởng của bản thân chứ không phải là theo
đuổi danh lợi.

Có phải người giàu làm việc vì tiền bạc?
Năm 2013, giá trị tài sản ròng của Bill Gates đã tăng lên mức 72,9 tỷ
USD, giúp ông giành lại ngôi vị người giàu nhất thế giới. Nếu mỗi năm vợ
chồng ông dùng hết 100 triệu USD thì phải mất 729 năm họ mới tiêu hết
khối tài sản đồ sộ của mình - đó là vẫn chưa tính đến khoản lợi tức
khổng lồ khối tài sản đó tạo ra. Vậy tại sao Bill Gates vẫn tiếp tục làm
việc mỗi ngày?
Đến năm 63 tuổi, Sumner Redstone, Chủ tịch Hội đồng Công ty Viacom của
Mỹ, mới bắt tay vào việc gây dựng đế chế khổng lồ trong ngành vui chơi
giải trí. Ở tuổi mà đại đa số mọi người đều xem là đã đến lúc lui về an
hưởng tuổi già, Redstone đã đưa ra quyết định vô cùng quan trọng, yêu
cầu bản thân quay trở lại với công việc. Không những vậy, cuộc sống của
Redstone gần như luôn xoay quanh Viacom. Với ông, không có bất kỳ sự
khác biệt nào giữa ngày làm việc và ngày nghỉ, giữa cuộc sống cá nhân và
công ty, thậm chí có lúc ông còn làm việc suốt 24 giờ trong ngày. Theo
bạn thì lòng nhiệt tình làm việc hăng say đó bắt nguồn từ đâu?
Còn vô vàn những ví dụ tương tự. Những người nhận được “khoản tiền
lương” khủng không chỉ làm việc vào tất cả các ngày, họ còn làm việc với
toàn bộ tâm trí. Nếu làm việc với họ, nhất định bạn sẽ thấy đuối sức,
mệt mỏi do phải làm việc trong thời gian dài. Vậy tại sao họ vẫn làm như
vậy, phải chăng là vì tiền bạc?
Sumner Redstone chia sẻ quan điểm về vấn đề này: “Thực tế, tiền bạc
chưa bao giờ là động lực làm việc của tôi. Động lực của tôi là sự yêu
thích những việc mình làm. Tôi yêu ngành giải trí, yêu công ty của mình.
Tôi mơ ước sẽ hiện thực hóa được giá trị cao nhất của cuộc sống và cố
gắng thực hiện nó đến cùng”.
Chính nhiệt tình khao khát hiện thực hóa lý tưởng của bản thân đã khiến
họ say mê những việc mình làm, sự nghiệp mình theo đuổi. Đó không đơn
thuần là vì danh lợi, bởi ngay cả khi có khả năng kiểm soát nhịp sống
của bản thân, họ vẫn không hề thả lỏng chân ga.
Động lực lớn nhất là hiện thực hóa lý tưởng của bản thân
Một số nhà tâm lý học nhận thấy sau khi kiếm tiền đến mức độ nhất định
nào đó, ta sẽ không thấy nó hấp dẫn nữa. Mưu cầu của con người không chỉ
là việc thỏa mãn nhu cầu sinh tồn mà còn có những nhu cầu, sự thúc đẩy ở
tầng cao hơn nữa. Trong đó, hiện thực hóa lý tưởng của bản thân và
chứng tỏ mình nằm ở tầng cao nhất chính là động lực mạnh nhất.
Chỉ khi theo đuổi hiện thực hóa lý tưởng của bản thân, con người mới
tìm thấy lòng nhiệt tình cháy bỏng, mới có thể phát huy tối đa tiềm năng
của bản thân, cống hiến cho xã hội ở mức cao nhất. Sự nhiệt tình này
không chỉ được thể hiện ở bề ngoài, nó xuất phát từ bên trong nội tâm,
từ niềm say mê thực sự của bạn đối với công việc mình đang làm.
So với những kẻ làm việc chỉ để nhận tiền lương, những người cố gắng
phấn đấu để thỏa mãn nhu cầu cao nhất của con người, “hiện thực hóa lý
tưởng của bản thân”, chỉ chiếm thiểu số. Vậy nên lòng nhiệt tình lâu bền
ở những người bình thường khó tìm ví tựa kim cương song lại là thứ hiển
nhiên tựa không khí ở những người có ước mơ và thành công.
Lòng nhiệt tình là thứ nhiên liệu thiết yếu để những ước mơ được chắp
cánh bay cao. Một khi đã bén lửa, nó sẽ khiến bạn không ngừng tiến về
phía trước. Từ cổ chí kim, lòng nhiệt tình là động lực thúc đẩy các nhân
vật kiệt xuất nhất trên thế giới theo đuổi việc “hiện thực hóa lý tưởng
của bản thân”, nhờ đó đạt đến những đỉnh cao thành công của nhân loại
trong lĩnh vực họ say mê, đồng thời cũng thúc đẩy sự tiến bộ của xã hội.
Hãy để lòng nhiệt tình làm điều đó với bạn.
Cho dù bạn chưa đạt đến cảnh giới hiện thực hóa lý tưởng của bản thân
thì cũng không nên tự ru ngủ mình - cho rằng mình làm việc chỉ là để
kiếm sống. Đừng tự nhủ rằng: “Nếu ông chủ trả mỗi ngần ấy thì mình làm
ít hơn, không cần tốn công phí sức hoàn thành từng nhiệm vụ”, cũng đừng
tự ti hay đánh giá thấp bản thân: “Thôi đành vậy, khả năng của mình
không bằng người ta, được nhận khoản thù lao này mình thấy đủ rồi”. Hãy
nhớ rằng, tiền bạc chỉ là một trong rất nhiều cách đền đáp, cái bạn theo
đuổi là nâng cao bản thân, vậy nên hãy tiếp tục làm việc với thái độ
tích cực.
Trích "Bạn đang làm việc cho ai"
Nguồn : http://www.hoclamgiau.vn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét